Nang tuyến nước bọt
15-03-2011
6593
NANG TUYẾN NƯỚC BỌT
1.1. Nang nhầy sàn miệng:
Nang nhầy thường phát triển từ sàn miệng do tắc tuyến nước bọt phụ hoặc đôi khi là tuyến dưới lưỡi. Người ta hay dùng thuật ngữ "nang nhái" để miêu tả nang nhầy bởi vì nang nhìn trong suốt, và tương đối lớn giống với bụng của con nhái. Nang thường nằm hẳn về một bên của phanh lưỡi. Nang thường tương đối lớn, làm ảnh đến động tác nuốt và thở. Đôi khi nang tự vỡ, để thoát ra một chất dịch nhầy quánh.


Khâu lộn túi là một phương pháp điều trị hiệu quả cho hầu hết các trường hợp nang nhái, mặc dù nó vẫn để lại một tỷ lệ tái phát nhỏ. Chính vì lý do này mà một số tác giả đã chủ trương mổ bóc nang cùng toàn bộ thành nang. Tuy nhiên, vì nang nhái thường bao quanh dây thần kinh lưỡi, nên thủ thuật bóc tách nang dễ gây tổn thương cho dây thần kinh này.
Những trường hợp nang nhái có kích thước lớn và xâm lấn sâu vào vùng dưới hàm hay vùng tam giác dưới cằm, thì dễ nhầm trên lâm sàng với nang móng lưỡi, nang thanh mạc hay nang dạng da. Chẩn đoán phân biệt với những loại nang này phải dựa vào chụp cộng hưởng từ. Cắt bỏ toàn bộ nang là phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất bởi vì nang nhái thường gây những đợt nhiễm trùng lặp đi lặp lại. Cắt bỏ toàn bộ nang đòi hỏi có tay nghề cao vì nếu để sót lại tổ chức nang thì thường dẫn đến nguy cơ tái phát thành nhiều ổ nang nhái. Đường chẻ giữa xưng hàm dưới và môi tạo ra một đường vào rộng rãi giúp cắt bỏ toàn bộ những nang nhái tái phát nhưng nó có nhược điểm là để lại sẹo không thẩm mỹ ngay giữa môi dưới.

 

1.2. Nang thoát nhầy:
Nang thoát nhầy có nguyên nhân do chấn thương, thường là chấn thương nhẹ và bệnh nhân quên đi. Chấn thương gây tổn thương ống dẫn của tuyến nước bọt phụ làm thoát chất nhầy vào tổ chức xung quanh. Vị trí hay gặp là môi dưới. Nang biểu hiện dưới dạng một điểm sưng tròn, chắc giống với một tổn thương cứng ở môi. Nên cắt bỏ toàn bộ nang thoát nhầy và gửi giải phẫu bệnh để xác định chẩn đoán.

Share:
scroll up